Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Bí ẩn vụ trộm kho báu xứ Ả Rập

Cựu đại diện của Ả Rập Xê Út ở Bangkok, Thái Lan đã nói với tờ Washington Post rằng người làm vườn đã lấy đi những viên ngọc to bằng quả trứng gà và giấu nó trong túi chứa của máy hút bụi. Kèm theo đó là một viên kim cương màu xanh không tì vết rất lớn, chừng 50 carat. Đây có thể là một trong những viên kim cương xanh lớn nhất thế giới.


Vụ mất trộm xảy ra vào năm 1989. Sau vụ việc, người làm vườn, có tên là Kriangkrai Techamong, đã gửi những đồ ăn cắp được về quê ở đông bắc Thái Lan. Sau khi Chính phủ Ả Rập Xê Út khẳng định rằng thủ phạm là Kriangkrai, cảnh sát Thái Lan không mất quá lâu để bắt người làm vườn này.
Tuy nhiên, khi ấy, anh ta đã bán một số món trang sức vô giá ấy với cái giá rẻ mạt là 30 USD một món. Không lâu sau đó, năm 1990, ba nhà ngoại giao Ả Rập Xê Út ở Bangkok đã bị bắn trong 2 vụ tấn công khác nhau trong cùng một đêm. Tiếp đó, một doanh nhân Ả Rập cũng bị bắt cóc và biệt tích từ đó.
Mặc dù Cục Điều tra đặc biệt Thái Lan (DSI) khẳng định không có bằng chứng để nói rằng các vụ giết người hay bắt cóc có liên quan đến vụ trộm, cựu đại biện Ả Rập Xê Út Mohammed Khoja vẫn cương quyết rằng những vụ việc này liên quan đến nhau. Trước đây, cảnh sát Thái Lan cũng đã tìm cách trả lại số nữ trang chưa bị bán trong một chuyến đi chính thức đến Ả Rập Xê Út với hy vọng cải thiện tình hình.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, Ả Rập Xê Út tuyên bố hầu hết các trang sức được trả lại đều là đồ giả rẻ tiền, báo The Nation thuật lại. Rắc rối hơn, báo chí Thái Lan khi ấy đã cho đăng những bức ảnh vợ của các quan chức thời đó đeo nữ trang y như các món bị mất.
Đến tháng 6.1990, Ả Rập Xê Út ngừng gia hạn thị thực cho hơn 250.000 lao động Thái Lan đã làm việc tại nước này và không cấp thêm thị thực cho ai. Sự việc làm cho quốc gia vùng Đông Nam Á mất đi hàng tỉ USD kiều hối. Ả Rập Xê Út cũng cấm công dân mình đến Thái Lan du lịch. Để xoa dịu căng thẳng, Bangkok tiếp tục cho điều tra vụ việc nhưng không phải theo cách mà phía bên kia mong đợi.

Tên trộm bị còng tay cùng số trang sức thu được hồi năm 1989
Năm 1994, một người thợ kim hoàn Thái Lan bị bắt cóc. Sau đó vợ và con trai ông ta cũng bị giết. Ông Khoja tin rằng người thợ trang sức này là tác giả của số trang sức giả mạo được trả lại. Vài tháng sau đó, Chalor Kerdthes - sĩ quan cảnh sát đứng đầu cuộc điều tra và trao trả lại số trang sức cho Ả Rập Xê Út - đã bị bắt với cáo buộc ra lệnh bắt cóc vợ con người thợ kim hoàn. Chalor vẫn đấu tranh từ đó cho đến tháng 10.2009, khi Tòa án Tối cao Thái Lan y án tử hình đối với ông ta.
Sự việc trở nên phức tạp hơn khi Tổ chức Dân chủ cho Iran đặt ở Mỹ tuyên bố trong một báo cáo năm 1996 rằng vụ sát hại các nhà ngoại giao Ả Rập Xê Út năm 1990 là do các băng nhóm sát thủ Iran thực hiện. DSI, vốn nhận lại hồ sơ điều tra từ cảnh sát Thái Lan vào năm 2004, nói sự liên quan đến băng nhóm Iran chỉ là tin đồn.
Tuy nhiên, việc phát lệnh bắt một người tên Abu Ali vì liên quan đến một trong những vụ giết người kể trên đã làm tăng thêm nghi ngờ về các băng nhóm Iran. Mặc dù có ít bằng chứng xác đáng về Abu Ali, DSI vẫn gửi cho Interpol đề nghị giúp truy tìm nghi can này.
DSI thì nói rằng không có bằng chứng để xác nhận những thông tin liên quan đến vụ việc, thậm chí là việc viên kim cương xanh đó có thật sự to hơn viên kim cương Hy vọng hay không (45,52 carat, màu xanh đậm, đang được giữ tại Viện Bảo tàng tự nhiên quốc gia Smithsonian ở Washington, Mỹ).
Chỉ có một điều chắc chắn là vụ trộm đã gây hao tổn cho Thái Lan hàng tỉ USD kiều hối, khiến nhiều người chết và đẩy một quan chức Thái Lan vào tù - tạp chí Time cho hay. Đã hơn 20 năm kể từ khi vụ trộm xảy ra, Ả Rập Xê Út vẫn muốn tìm lại viên kim cương trong khi quan hệ giữa hai quốc gia vẫn không mấy êm ấm.
Đối với Thái Lan, giải quyết rốt ráo vụ việc sẽ là chìa khóa để cải thiện quan hệ với Ả Rập Xê Út, điều này có thể giúp đem lại hàng trăm ngàn công việc cho công dân Thái Lan ở đất nước dầu mỏ này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét